Saturday 12 November 2011

Nỗi buồn Thứ bảy: Vịnh Hạ Long

Sáng mở mắt ra thấy Vịnh Hạ Long lọt vào top 7 kỳ quan mới của thế giới của New7Wonders. Thở dài. Cái phong trào ồn ào kỳ này không khác gì cái không khí bị phê phán trong Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan hay chuyện nghệ sĩ phát sim điện thoại nhờ fan bầu chọn cho mình.

Nói nghiêm túc, đây là chuyện lộn xộn liên quan tới mấy bảng xếp hạng dở hơi mà có lần trên web của Nguyễn Văn Tuấn bị gọi là “rubbish”. Mỗi loại bảng xếp hạng có một cách xếp khác nhau và do đó kết quả để “vui” là chính. Ai thích chơi thì chơi, ai không thích thì thôi. Về cơ bản, nó là ý tưởng kinh doanh của một người gốc Thụy Sĩ như UNESCO có cảnh báo. Nhưng không sao, UNESCO tất nhiên có lý do phủ nhận một “đối thủ cạnh tranh tiềm năng”, nếu nước nào người ta cũng thích ý tưởng của doanh nhân người Thụy Sĩ thì người ta tham gia, vậy thì bảng xếp hạng này sẽ không tồi. Giống như có Hoa Hậu Hoàn Vũ thì cũng có quyền có Hoa Hậu Trái Đất vậy đó, và đương nhiên Việt Nam cũng có quyền có Hoa Hậu Thế giới Người Việt. Đẳng cấp mỗi cái danh hiệu đó tương ứng với chất lượng của cuộc chơi.

Tiếc là cái cuộc chơi New7Wonders này hình như chỉ là cấp … làng. Lần chơi này có vẻ chỉ có vài ba nước hăng hái nhảy vào, Việt Nam và Phillipines là những nước mà lời kêu gọi “vote” được đưa ra thành văn bản của chính phủ. Kết quả, hai nước này đều có kỳ quan mới của thế giới.

Ngứa tay, áp dụng phương pháp hàn lâm đăng trên Journal of Finance là xài Google Trends để tìm hiểu coi ai quan tâm tới vụ này, mở Google Trends ra search thì thấy Indonesia, Vietnam, Phillipines, Bolivia, Lebanon nằm trong số những quốc gia quan tâm nhất tới chuyện này. Trên một bài báo của Ben Bland trên Financial Times kể ra thêm tên của Úc và Israel nhưng Google Trends không cho thấy các nước này quan tâm đáng kể tới chuyện này. Nghĩa là dân của họ không thích chơi trò chạy theo đám đông này chăng? Không quan trọng, Việt Nam thích. Nhìn vào kết quả của Google Trends về các địa điểm có người quan tâm search New7wonders nhiều thì dễ thấy dân Việt Nam ở nhiều thành phố quan tâm đến vụ này nhất.

Tóm lại, đây là một sân chơi chủ yếu của Việt Nam, Phillipines, Lebanon, Bangladesh, Indonesia. Giống như kiểu không đá được WorldCup thì đi đá SEA Games, đá SEA Games không được thì tổ chức giải Việt Nam mở rộng mà đá để ráng kiếm chức vô địch. Cái bảng xếp hạng của New7Wonders cũng cỡ như giải Việt Nam mở rộng. Lần này thì Việt Nam cũng đã nhận được đồng chức vô địch với 6 quốc gia khác.

Nhiều ý kiến trên mạng phản bác chuyện New7Wonders một cách gay gắt nhưng không ai nói gì trên báo chí lề phải. Tôi cũng không ưa gì cái cách tổ chức như vậy, nhất là cái chuyện dân mình, Nhà nước mình hô hào nhau đi bình chọn. Nó cũng giống cái cách mà chúng ta lấy dân thể thao chuyên nghiệp đi dự Olympics trong khi có những nước chỉ chọn dân amateur đi thi hay chuyện chúng ta luyện gà thi quốc tế cố sống cố chết giành giải về mà tự tung hô nhau.

Có người nói ráng bầu chọn cho Hạ Long để mà tự hào rồi thu hút thêm khách du lịch. Xin hãy lên đọc comment trên mạng của khách du lịch tiềm năng ở CNN. Có lẽ chúng ta đang làm mất lòng của bạn bè thế giới và khách du lịch tiềm năng đến Hạ Long hơn là ngược lại. Tôi tự hỏi rằng nếu tôi đem cái này khoe với bạn mình hay thầy mình ở đây thì không biết có bị nhận lấy một cái nhìn mỉa mai hay không.

Tôi vốn bàng quan với chuyện này dù đọc không ít bình luận trong nhiều năm qua (chứ không phải chỉ gần đây) phản bác vụ bầu chọn này, nhưng thấy cái cách mà nhiều người lãng phí cho bình chọn vô bổ này trên báo không khỏi thấy buồn. Đây là một sự lãng phí của toàn xã hội cho một cái chuyện vô bổ không kém một cuộc thi hoa hậu tào lao nào đó. Khi mà chúng ta còn lẫn lộn những cái giá trị thật giả như vầy thì khó mà nói tới chuyện chọn ra một con đường đúng để phát triển kinh tế xã hội. Nhưng cũng có thể vì vậy mà người Việt Nam được bình chọn là hạnh phúc nhất châu Á bởi NEF. Năm ngoái thì Gallup công bố người Việt Nam là nằm khu nửa cuối bảng hạnh phúc nhất.

Điều này cũng có nghĩa là nếu New7Wonders công bố Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan mới của thế giới thì không lâu sau cũng có thể có một tổ chức uy tín hơn công bố Hạ Long là một trong những điểm đến tệ nhất của năm 2011. Điều đó có khi cũng không quan trọng vì khi đó có thể báo chí lề phải và nhiều người sẽ tự lừa gạt lẫn nhau là cái tổ chức công bố Hạ Long xếp hạng thấp là không đáng tin cậy. Có những người đang cố tình làm lẫn lộn những giá trị thật giả, tốt xấu trong xã hội, từ chuyện thẩm định chất lượng giáo dục, y tế, phim ảnh, nghệ thuật tới chuyện đánh giá sức khỏe ngân hàng, CTCK, DNNN, giải quyết kẹt xe, thì chuyện Hạ Long cũng có thể. Giữa một đám đông cuồng nhiệt, những ý kiến ngược lại sẽ bị "ném đá" không thương tiếc.

Một bài học cũ lại đúng trong trường hợp lần này: Đúng sai không có thước đo chính xác 100% tại mỗi thời điểm, nhưng nếu bắt nhịp được suy nghĩ và xu thế hành vi của một số đông, bạn sẽ kiếm ra tiền hay ít nhất không mất tiền. Người sáng lập New7Wonders đã bắt được mạch của một số đông nhà lãnh đạo và dân chúng của Việt Nam, Phillipines, Indonesia .v.v Ông ta đã có tiền. Phần chi phí và rủi ro đã được chuyển về cho dân chúng những nước có New 7 Wonders. GOOD LUCK!

No comments: