Monday 15 February 2010

Thống kê VN: GNI-GDP và các ngộ nhận

Ngộ nhận đầu tiên: lẫn lộn GDP với GNI

Với sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc, Việt Nam đã thử nghiệm hệ thống hạch toán quốc gia (SNA - System of National Account) từ năm 1989 và chính thức ứng dụng từ năm 1993, nhưng về cơ bản là dùng theo phương pháp của SNA 1968 có kết hợp với ý niệm của hệ thống sản xuất vật chất MPS (Material Product System) thường dùng trước đổi mới.


Vì Việt Nam đã quen sử dụng thu nhập quốc dân của hệ thống MPS, nên nhiều người đã cố giải trình “nôm na” sự “tương tự” giữa hai thuật ngữ GDP và thu nhập quốc dân sản xuất theo MPS để mọi người làm quen dần với GDP bao quát đầy đủ các hoạt động kinh tế (sản xuất hàng hóa và dịch vụ), hơn là chỉ các hoạt động sản xuất vật chất.

Nhưng cùng với sự quen dần này, đôi khi một số người đã coi GDP như chỉ tiêu duy nhất phản ánh sự tăng trưởng kinh tế, trong khi thực tế SNA có nhiều chỉ tiêu khác nhau, toàn diện và phức tạp hơn nhiều. Thậm chí có người gần như “đồng nhất” tổng sản phẩm quốc nội GDP (giá trị gia tăng làm ra trong quốc gia/vùng lãnh thổ) với tổng thu nhập quốc gia GNI (giá trị thực được thụ hưởng của một quốc gia/vùng lãnh thổ, sau khi đã trừ bớt phần chuyển ra và cộng thêm phần thu được từ bên ngoài).

Khắc phục tình trạng này, khi Tổng cục Thống kê công bố GDP và GDP bình quân đầu người năm 2008 theo tiền đồng Việt Nam và tương đương theo giá đô la Mỹ, cũng đã tính GNI theo tiền đồng và cả theo đô la Mỹ. Cụ thể GDP 2008 của Việt Nam tương đương 89 tỉ đô la Mỹ và bình quân đầu người là 1.047 đô la Mỹ/người, còn GNI 2008 thấp hơn, chỉ bằng 96,7% GDP 2008. Dù lệch nhau 3,3% nhưng đôi khi lại bị sử dụng gần “như nhau”. Đó là ngộ nhận đầu tiên dễ mắc phải.

Ba ngộ nhận trong so sánh quốc tế

Tính GDP/GNI theo tiền đồng cũng đã được chuyển sang đô la Mỹ để dùng trong so sánh quốc tế, thậm chí so sánh các địa phương với nhau và với thế giới. Tuy nhiên, khi sử dụng cũng thường mắc một số lầm lẫn do ngộ nhận. Xin kể ra tiếp ba ngộ nhận khác là:

Thứ nhất, GNI theo cách tính của Tổng cục Thống kê hiện nay chưa phải là GNI theo WB Atlas trong phân loại các nước được Liên hiệp quốc thừa nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) đã xác định GNI bình quân đầu người, không chỉ tính theo tỷ giá hối đoái bình quân trong năm (cách Việt Nam đang sử dụng), mà xét thêm cả tỷ giá theo hai năm trước đó và lấy trọng số theo một số nền kinh tế lớn để phản ánh sát hơn tình hình lạm phát/tỷ giá trong các nền kinh tế thế giới.

Theo đó, GNI 2008 của Việt Nam tương đương khoảng 90 tỉ đô la Mỹ và bình quân đầu người là 890 đô la Mỹ/người. Quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2008 như vậy nằm trong số 60 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, GNI 2008 Việt Nam theo WB chỉ bằng 90% GDP tính theo giá đô la Mỹ của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Sai lệch đã được đẩy lên mức 10% và từ đó nhận định chưa đúng về trình độ phát triển của Việt Nam hiện tại trong so sánh với các nước.

Thứ hai, có người còn chưa hiểu đúng về cách phân loại kinh tế các nước theo thu nhập tại từng thời điểm. WB đã phân loại các nước năm 2009/2010 thành các nhóm nước/vùng lãnh thổ theo mức GNI năm 2008:

(1) nhóm nước có thu nhập thấp (có GNI dưới 975 đô la Mỹ/người);

(2) nhóm nước có thu nhập trung bình (có GNI từ khoảng 976 đô la Mỹ/người đến 11.905 đô la Mỹ/người, trong đó có hai phân nhóm trung bình thấp từ 3.855 đô la Mỹ/người trở xuống và trung bình cao);

(3) nhóm nước có thu nhập cao (trên 11.906 đô la Mỹ/người).

Như vậy, trong phân loại năm 2010 dựa vào số liệu GNI 2008, Việt Nam chưa thuộc nhóm nước thu nhập trung bình (890 đô la Mỹ/người so mức ít nhất là 975 đô la Mỹ/người), mà mới chỉ bằng 91,3% của ngưỡng trên của nhóm nước thu nhập thấp.

Theo các chuyên gia Tổng cục Thống kê, do GDP bình quân chỉ tăng chút ít (1.047 đô la Mỹ/người năm 2008 và 1.055 đô la Mỹ/người năm 2009), có thể ước đoán GNI 2009 bình quân của nước ta cũng chỉ khoảng trên dưới 900 đô la Mỹ/người. Do đó, nếu tính cả các yếu tố lạm phát, tỷ giá, tăng trưởng thực, có thể dự đoán sau năm 2010, mức GNI bình quân vượt 1.000 đô la Mỹ/người và Việt Nam có thể vững chắc đứng trong nhóm các nước thu nhập trung bình (thấp).

Trong 10 năm qua (1997-2007), thu nhập bình quân GNI Việt Nam tăng gần ba lần (từ gần 300 lên gần 900 đô la Mỹ), trong khi thu nhập trung bình GNI thế giới cùng kỳ đã tăng gấp rưỡi (từ 5.130 lên 7.958 đô la Mỹ). Thu nhập trung bình GNI thế giới năm 2008 là 8.613 đô la Mỹ/người, lớn hơn mức thu nhập trung bình GNI Việt Nam đến gần 10 lần. Để vượt qua khoảng cách “tụt hậu” này có lẽ cần nhiều thời gian hơn ta muốn, bởi lẽ khi nước ta tăng trưởng nhanh, thì thế giới cũng không dừng lại.

Thứ ba, có sự khác biệt giữa giá thực tế và sức mua tương đương. Để loại trừ các chênh lệch giá giữa các nước, người ta sử dụng phương pháp sức mua tương đương (Purchasing Power Parity - PPP), tính theo giá đô la “bình quân” thế giới. Khi đó GDP Việt Nam 2008 theo giá thực tế mới khoảng 90 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 60 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng khi tính theo PPP đã được “tăng lên” đến 241,8 tỉ đô la Mỹ và đứng thứ 45 trên thế giới, do mức giá cả ở Việt Nam rẻ hơn trung bình thế giới khoảng 2,7 lần.

Với các nước đang phát triển trình độ thấp, độ lệch giữa hai loại giá như trên có thể lên tới 5 lần. Với Việt Nam trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, độ lệch giữa giá cả thực tế và giá theo PPP đã giảm dần từ 5 lần các năm trước, xuống còn 3,28 lần năm 2006/2007 và sau khi gia nhập WTO, độ lệch giá năm 2008 còn khoảng 2,67 lần.

Lẫn lộn trong sử dụng giá cả (giá so sánh 1994 và giá thực tế) ở nhiều địa phương

Khác với khi tính quy mô, cơ cấu GDP người ta sử dụng giá thực tế, thì khi tính tốc độ tăng trưởng, người ta lại phải dùng giá so sánh (Việt Nam là giá năm 1994). Vì nhiều sản phẩm, dịch vụ không có giá tương ứng trong bảng giá so sánh năm 1994, hoặc đôi khi có thể do bệnh thành tích, người ta đã tạo ra giá so sánh năm 1994 “mới” gần ngang bằng giá thực tế (mà lẽ ra phải giảm đi vài lần do yếu tố lạm phát cao nhiều năm).

Hệ quả là theo giá so sánh “mới” này, người ta cũng đã tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cao một cách giả tạo. Khi Tổng cục Thống kê công bố cả nước tăng trưởng 5-7%, thậm chí 8-9%, thì hầu hết các tỉnh thành đều đã “công bố” đạt tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm. Cứ đà này thì khi tổng hợp các tỉnh lên vùng và cả nước, chúng ta sẽ có các con số chênh lệch nhau đến vài chục phần trăm!

Mặc dù các con số chưa chuẩn, không đúng, nhưng nó không chỉ hợp “khẩu vị” với những ai thích thành tích cao, mà còn làm căn cứ để làm chính sách. Khi lập kế hoạch phấn đấu hàng năm và quy hoạch phát triển dài hạn 10 năm hay dài hơn, người ta đã hoạch định mục tiêu cho địa phương mình các tốc độ tăng trưởng GRDP quá cao, chẳng hạn cần đạt tốc độ 10-15-20%/năm trong liên tục nhiều năm, để nhắm vượt địa phương bạn, để hơn trung bình vùng, hơn trung bình cả nước và hơn thế để “về trước” so với mục tiêu chung của cả nước về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Lẫn lộn trong xác định phạm vi lãnh thổ của sản xuất các sản phẩm, dịch vụ

Khi tính toán GRDP với các địa phương, một lầm lẫn nữa có thể xảy ra là đã tính trùng các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất ở địa phương khác, nhưng được tiêu thụ, được đóng thuế ở địa phương đang xét. Có sự “tranh chấp” thực tế giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi sản xuất dầu khí, với TPHCM, nơi đóng trụ sở của cơ quan quản lý dầu khí và nộp thuế chủ yếu của tập đoàn Dầu khí.

Thủy điện sản xuất ở Hòa Bình, nhưng GRDP cũng được tính cho Hà Nội vì đây là trụ sở của tập đoàn Điện lực. Vấn đề cũng tương tự khi đánh giá thành tích xuất khẩu các sản phẩm khác cũng dễ gây tính trùng: gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, cao su, hồ tiêu, điều,... của các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên xuất qua cảng TPHCM. Thậm chí, sản phẩm điện tử sản xuất ở một tỉnh này và xuất ở cảng tỉnh khác cũng gây ra số liệu nhầm lẫn. Ngành than sản xuất ở Quảng Ninh, nhưng các công ty bán than lại có trụ sở ở Hà Nội. Rồi các ngành xi măng, vật liệu xây dựng...

Việc “khắc phục” tình trạng này trong điều kiện phân cấp ngân sách đến mức chia cắt như hiện nay lại là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chạy đua”: tỉnh nào cũng muốn làm riêng cảng, riêng sân bay, để ... “tự thở bằng mũi của mình”, rất không phù hợp với đặc tính liên hoàn của hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ hiện đại.

Trong điều kiện thiếu các thông tin đến với người dân và cả một số lãnh đạo, các loại nhầm lẫn nêu trên cũng góp phần gây ra các kiểu ngộ nhận khác nhau, hệ quả đã làm cho bức tranh kinh tế cả nước bị méo mó đi phần nào. Đó là chưa kể các sai lệch khác trong các số liệu về tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế... Vì thế, các cơ quan thống kê các cấp ở nước ta nên đóng vai trò “nhạc trưởng” và phản ánh thực tế khách quan cần được đề cao hơn nữa.

Về lý thuyết, GDP được tính theo ba phương pháp chủ yếu là:

- Phương pháp sản xuất: GDP = tổng giá trị sản xuất - tổng chi phí trung gian + thuế nhập khẩu.

- Phương pháp thu nhập: GDP = tổng thu nhập của người lao động từ sản xuất + tổng thặng dư sản xuất + tổng khấu hao tài sản cố định + tổng thuế gián thu và thuế sản xuất khác + thuế nhập khẩu - trợ cấp cho sản xuất.

- Phương pháp sử dụng cuối cùng: GDP = tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình + tiêu dùng cuối cùng của nhà nước + tích lũy tài sản + xuất khẩu - nhập khẩu.

Tuy nhiên thực tế các nước vận dụng khác nhau. Ở một số nước có nền kinh tế chuyển đổi và hầu hết các địa phương ở nước ta hay thiên về dùng phương pháp sản xuất (dựa trên nguồn cung từ sản xuất - supply side) phù hợp với quá trình chuyển phương pháp từ MPS sang SNA, trong khi các nước có nền kinh tế thị trường thiên về phương pháp sử dụng cuối cùng (dựa vào nhu cầu cuối cùng - demand side - cho tiêu dùng, đầu tư và chênh lệch xuất nhập khẩu).

No comments: