Saturday, 16 January 2010

Ông Diệu khuyên can ông Obama

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=351399&ChannelID=119

Tuổi Trẻ Cuối tuần
Thứ Sáu, 04/12/2009, 23:27 (GMT+7)

Khi ông Diệu khuyên can ông Obama

TTCT - Tối 27-10, tại dạ tiệc kỷ niệm 25 năm thành lập Hội đồng doanh thương Mỹ - ASEAN, ngay trước chuyến sang Bắc Kinh của Tổng thống Barack Obama, nhà lãnh đạo lão thành Lý Quang Diệu đã đăng đàn diễn thuyết trước các quan chức Mỹ và ASEAN.

Đặc biệt, trong số thính giả có nguyên cố vấn Henry Kissinger - tác giả cuộc viếng thăm Trung Quốc của Nixon gặp Mao Trạch Đông năm 1972 và của bản thông cáo chung Mỹ - Trung đầu tiên trong lịch sử “bang giao - trao đổi” Mỹ - Trung 30 năm qua. Ngoài ra còn có George Shultz - ngoại trưởng Mỹ từ 1982-1989, tác giả bản thông cáo chung thứ ba Mỹ - Trung ngày 17-8-1982, liên quan việc Hoa Kỳ giảm dần bán vũ khí cho Đài Loan.

Trước cử tọa ngoại giao đó, ông Lý Quang Diệu đã chỉ trích các tác giả của hai trong ba bản thông cáo chung “trao đổi” đó về hậu quả của những “sáng kiến lịch sử” của hai ông này. Trong khi đó, vai chính của thông cáo chung Mỹ - Trung lần thứ hai ngày 1-1-1979 - cựu tổng thống Jimmy Carter thì sang Việt Nam xây nhà tình thương, cùng thời điểm với ông Obama sang Bắc Kinh, như một bức màn khói che chắn chuyến đi trao đổi của tổng thống Mỹ.

Sau khi nhắc lại việc Trung Quốc biểu dương lực lượng nhân quốc khánh lần thứ 60, ông Lý Quang Diệu cảnh báo: “Mỹ, Nhật, Ấn Độ và toàn thể các láng giềng của Trung Quốc đều phải ghi nhớ cuộc diễu võ giương oai này. Trên bản đồ của Trung Quốc, Hoàng Sa và Trường Sa cũng như gần hết biển Đông đều ghi là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Cũng có những tranh chấp về ngư trường đánh cá giữa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN. Trung Quốc đã xây trên nhiều đảo nhỏ các trạm cá tiền tiêu có tàu tuần tiễu bảo vệ. Sau này, đằng sau đó sẽ là cả một hạm đội đại dương. Một hạm đội đại dương với hàng không mẫu hạm không chỉ để ngăn ngừa ngoại bang can thiệp một cuộc xung đột giữa Đài Loan và Trung Hoa lục địa...”.

Từ dự báo nguy cơ đó, ông Lý Quang Diệu lên tiếng nói giùm một số nước ASEAN: “Trung Quốc chưa sẵn sàng hoặc chưa sẵn lòng nhận trách nhiệm bình đẳng (với Mỹ) trong việc xử lý hệ thống quốc tế. Trong ASEAN, ý kiến đồng thuận là ở Đông Á, vai trò của Mỹ vẫn là không thể thay thế được”. Ông đề xuất một cơ cấu mới cho ASEAN, trong đó ASEAN không đứng một mình nếu muốn tồn tại. Theo ông, gợi ý một “cộng đồng Đông Á” của Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama là tốt, song còn mơ hồ (*).

Chẳng phải ông Lý Quang Diệu chỉ nhằm trách cứ hai ông ngoại trưởng Kissinger và Shultz về những sai lầm lịch sử của họ, ông còn muốn nhắn gửi đến ông Obama những khuyên can trong chuyến sang Bắc Kinh sau đó. Hơn ai hết, từ Singapore, ông đã thấm thía những gì xảy ra từ năm 1972, bắt đầu là Đài Loan, rồi đến Việt Nam.

DANH ĐỨC

______________

(*) Speech by Mr. Lee Kuan Yew, minister mentor, at US-ASEAN Business Council’s 25th Anniversary gala dinner, 27 October 2009.

No comments: