Monday 1 March 2010

Chống lại những tay lướt sóng

Dành nhiều ưu đãi hơn cho cổ đông lâu năm có giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong dài hạn?

Sự sụp đổ ngoạn mục của nhiều tập đoàn tài chính lớn trong cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng cố thêm niềm tin rằng thị trường cổ phiếu trong thế giới tư bản chỉ là thú lướt sóng nguy hiểm.


Dù gì thì cổ đông của các tổ chức tài chính vẫn niêm yết đều hoan hỉ chúc tụng lẫn nhau nếu lợi nhuận ngắn hạn cũng như giá cổ phiếu tăng cao nhờ liều lĩnh “đánh bạc” với cái núi tiền khổng lồ đi vay mà có.


Hóa ra những pha đặt cược ấy lại gây tác hại nghiêm trọng trong dài hạn đối với doanh nghiệp, cổ đông cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung.


Cổ đông chẳng còn thoái mái viện tới giả thuyết thị trường hiệu quả để biện luận rằng giá cổ phiếu tăng luôn phản ánh một viễn cảnh tốt đẹp hơn chứ không phải bất kỳ một bong bóng nào cả.


Nếu thị trường “dậy sóng” trong ngắn hạn, doanh nghiệp và nhà đầu tư nào chỉ quyết định dựa trên biến động giá cổ phiếu chẳng nên bất ngờ nếu họ có bị trừng phạt trong dài hạn.


Vậy thì nên làm gì để khuyến khích một tầm nhìn dài hạn hơn?


Một ý tưởng đang nhận được nhiều sự ủng hộ là nên để nhà đầu tư có thời gian nắm giữ cổ phiếu đủ lâu có tiếng nói mạnh hơn trong việc quản lý công ty.


Ví dụ như cổ đông có thời gian nắm giữ dài nên nhận được thêm quyền bỏ phiếu hoặc cổ đông mới có thể bị cấm bỏ phiếu.


Đầu thập kỷ 80, bình quân mỗi cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York được trao tay ba năm một lần. Ngày nay thời gian nắm giữ trung bình giảm còn 10 tháng.


Điều đó lý giải mối quan ngại ngày càng tăng về nạn “lướt sóng”. Năm ngoái, một nhóm các nhà đầu tư kỳ cựu tại Mỹ (gồm Warren Buffett, Felix Rohatyn và Pete Peterson) đã xuất bản một báo cáo có tên “Khuất phục chiến thuật lướt sóng”.


Báo cáo này đề xuất nhiều biện pháp khuyến khích giới đầu tư nắm giữ cổ phiếu lâu hơn, gồm cả phong tỏa quyền bỏ phiếu của cổ đông mới trong vòng một năm.


Một ủy ban tư vấn tại Hà Lan đã đề xuất các hình thức thưởng cho cổ đông dài hạn, ví dụ như tăng cổ tức hay quyền bỏ phiếu sau khi đã nắm giữ cổ phiếu 4 năm.


Tương tự, Bộ trưởng Khu vực tài chính Anh Paul Myners cho rằng cổ đông ngắn hạn nên có ít quyền bỏ phiếu hơn.


Chủ tịch Cadbury cho đến khi bị Kraft thôn tính gần đây, ông Roger Carr nghĩ nhà đầu tư nào mua cổ phiếu một công ty sau khi công ty đó nhận được lời chào mua không nên được phép bỏ phiếu về chính lời chào ấy.


Đứng sau những đề xuất ấy là lý thuyết cho rằng ai nắm giữ cổ phiếu dài hạn sẽ hành xử giống người chủ sở hữu hơn những ai chỉ chủ tâm lướt sóng.


Loại dân lướt sóng sang một bên sẽ khuyến khích nhà đầu tư không chỉ nắm giữ cổ phiếu lâu hơn mà còn tận dụng quyền bỏ phiếu của mình hơn, vì họ biết phiếu bầu của mình sẽ được tính tới khi bầu cử hội đồng quản trị.


Cách làm này có tác dụng không?


Đáng mừng là một hệ thống cổ đông hai “cấp” đã được áp dụng từ lâu tại Pháp. Cổ phiếu có quyền bỏ phiếu gấp đôi nếu được nắm giữ trong một thời gian nhất định thường là 2 năm cho dù đôi khi lên tới 10 năm.


Một nghiên cứu gần đây của Chiraz Ben Ali, nhà kinh tế tại ĐH Paris Dauphine cho thấy tác động chính của cơ cấu hai “cấp” là tăng sự bất bình đẳng đối với cổ đông thiểu số (thường sở hữu số cổ phiếu có ít quyền bỏ phiếu hơn).


Ví dụ như kế toán thường ít minh bạch hơn. Phải thừa nhận là cơ cấu bảo vệ cổ đông thiểu số yếu ớt tại Pháp cũng một phần là kết quả của hệ thống hai “cấp” này. Do đó, tăng quyền bỏ phiếu không phải là phương thuốc chữa bách bệnh.


Mặc dù không doanh nghiệp Mỹ nào có nhiều “cấp” cổ đông, đôi khi họ lại sử dụng một cơ chế khác để giải tỏa bớt áp lực tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn: mỗi năm chỉ tái cử một thiểu số thành viên HĐQT.


Theo Lucian Bebchuk từ Trường Luật Havard, lợi nhuận dài hạn của các công ty theo cơ chế này lại thường thấp hơn.


Ngắn hăng hái, dài thờ ơ


Công bằng mà nói, có bằng chứng dù chưa hẳn đã thuyết phục cho thấy cổ đông ngắn hạn như các quỹ đầu cơ có thể cải thiện hoạt động của các doanh nghiệp được điều hành kém thông qua một chiến dịch ngắn ngày.


Colin Melvin, ông chủ của Hermes Equity Ownership Services, chỉ ra rằng, “Phân biệt quyền bỏ phiếu có thể giúp bảo vệ ban quản trị an toàn hơn nhưng lại làm họ thiếu trách nhiệm với cổ đông hơn.”


Nói tóm lại, thời gian nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu không cho thấy người này hứng thú với việc điều hành doanh nghiệp đến đâu.


Nhiều nhà đầu tư chỉ số dài hạn nắm giữ cổ phiếu nhiều năm mà chẳng quan tâm gì đến chuyện doanh nghiệp họ đầu tư được điều hành ra sao.


Đương nhiên cũng có lập luận về tính đạo đức của việc tước quyền của người sở hữu tài sản cho dù họ có hiếm khi dùng tới nó đến đâu.


Vấn đề cốt lõi không phải là làm thế nào để khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lâu hơn mà là làm thế nào để khuyến khích họ làm tròn trách nhiệm của một người chủ sở hữu hơn bất chấp thời hạn nắm giữ có là bao lâu.


Thay vì tạo ra một hệ thống cổ đông nhiều “cấp”, chính phủ và các cơ quan giám sát có thể dành thời gian chuẩn hóa khái niệm “trách nhiệm ủy thác” trong lĩnh vực tài chính.


Tốt hơn là những nhà đầu tư nào đã mất tiền trong cuộc khủng hoảng tài chính một phần vì chiến thuật lướt sóng mà họ theo đuổi nên tự lo cho chính mình bằng cách đòi những quỹ hỗ tương, quỹ lương hưu họ đã gửi gắm tiền bạc nên có một tầm nhìn dài hơi hơn nữa.

No comments: