http://cafef.vn/20100530085929606CA32/bi-kip-chinh-phuc-doc-gia-cua-nha-kinh-te.chn
Chất lượng là trên hết
Trụ sở chính của The Economist nằm ở Saint James, khu phố sang trọng, sầm uất vào bậc nhất London. Nhưng phần lớn các nhà báo của The Economist làm việc tại 20 văn phòng ở nước ngoài. Tờ báo hướng tới toàn cầu, phát hành khắp năm châu mà không có phiên bản riêng nào nhằm thích ứng với "gu" độc giả từng địa phương.
The Economist ra đời năm 1843 không đơn thuần là một tờ báo kinh tế. Báo có nhiều chuyên mục, với cái "tít" có vẻ "buồn cười" như mục "Charlemagne" dành cho các bài viết về Liên hiệp châu Âu, mục "Bagehot" (tên một nhà báo nổi tiếng của Anh thế kỷ 19) về tình hình chính trị Anh, "Lexington" về tình hình chính trị Mỹ, "Banyan" về châu Á hay "Buttonwood" dành cho lĩnh vực tài chính. Tờ báo cũng đều đặn viết về Trung Đông và châu Phi...
Mỗi sáng thứ hai hằng tuần, ban biên tập họp tại trụ sở báo. Phóng viên làm việc ở nước ngoài tham gia dự cuộc họp thông qua điện thoại hay truyền hình. Ngay cả các thực tập sinh cũng có thể tham dự. Cuộc họp bàn về việc sự kiện nào sẽ được đưa lên trang bìa, về năm đề tài chính của số báo cũng như các bài xã luận. Đó thật sự là một cuộc tranh luận, ai cũng có thể bày tỏ ý kiến của mình, nhằm mục đích "mổ xẻ" vấn đề đến nơi đến chốn.
Có người so sánh The Economist với một câu lạc bộ có quy tắc, điều lệ hoạt động riêng mà trước hết có thể nói đến "tính vô danh". Tất cả các bài viết đều không ký tên tác giả, được coi là "sản phẩm" chung của toàn ban biên tập.
"Đó chính là "thương hiệu" của chúng tôi. Người viết phải thuyết phục được ban biên tập và đồng nghiệp đồng thuận quan điểm của mình", Tổng biên tập John Micklethwait giải thích. Trên thực tế, cá nhân không hoàn toàn bị xoá mờ, mà vẫn thể hiện dấu ấn riêng trong bài viết.
Lối hành văn của The Economist tuân theo nguyên tắc: gọn gàng, cô đọng, ưu tiên sử dụng từ ngữ ngắn nhất, chinh phục độc giả bằng chất lượng các bài viết.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment