Sunday, 9 May 2010

Kornai János trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh Tài

http://anhbasam.com/2010/05/07/577-kornai-janos-tr%e1%ba%a3-l%e1%bb%9di-ph%e1%bb%8fng-v%e1%ba%a5n-t%e1%ba%a1p-chi-kinh-tai/

Kornai János trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh Tài *

Caijing (财经-Kinh Tài, đọc từ phải sang) là tạp chí kinh tế tài chính độc lập nổi tiếng, có nhiều người đọc nhất Trung Quốc. Kinh Tài do bà Hu Shuli (胡舒立- Hồ Thư Lập; sinh năm 1953) làm tổng biên tập từ 1998 đến 2009, Kinh Tài trực thuộc Ủy Ban Chứng khoán. Kinh Tài là tạp chí ra 2 số một tháng với lượng ấn bản 220.000 bản một số và là tạp chí kinh tế tài chính có lập trường độc lập. Kinh Tài đã gửi các câu hỏi phỏng vấn đến Kornai János, nhà kinh tế học Hungary nổi tiếng thế giới, giáo sư đại học Havard, hiện sống ở Budapest. Ông đã có trả lời bằng tiếng Hung ngày 27-2-2010 và bản dịch tiếng Anh ngày 21-3-2010. Bài phỏng vấn đã được Kinh Tài đăng và đã có tiếng vang lớn tại Trung Quốc. Ngày 3-4 Kornai János gửi cho người dịch bài trả lời phỏng vấn bằng tiếng Hung và bản dịch ra tiếng Anh. Trân trọng giới thiệu với độc giả tiếng Việt bài phỏng vấn này do Nguyễn Quang A dịch từ nguyên bản tiếng Hung, có tham khảo bản dịch tiếng Anh.
Câu hỏi 1.
Ông giữ quan điểm rằng các cuộc cải cách hệ thống trong chuyển đổi bao gồm nhiều phần, một số phần với các chi phí thấp (low cost), một số với chi phí cao. Trung Quốc chọn các cuộc cải cách chi phí thấp để đột phá cho nên đã có một sự chuyển đổi tương đối ổn định. Theo quan điểm của ông, cách tiếp cận Trung Quốc về cải cách đều đặn có thành công? Ông nghĩ có loại “Mô hình Trung Quốc” nào đó trong các cuộc cải cách và chuyển đổi của một nước hay không? Nếu có, lời bình của ông về mô hình này là gì?
Bạn đặt câu hỏi khó và phức tạp. Trong khả năng của mình tôi muốn cho câu trả lời càng chính xác càng tốt. Để làm việc này, một mặt tôi phải phân câu hỏi lớn thành các câu hỏi nhỏ hơn và tôi phải tìm cách làm rõ vài khái niệm có thể bị hiểu lầm.
Trong từ vựng của bạn từ “mô hình” có nghĩa là gì? Chúng tôi, các nhà kinh tế học thường gọi “mô hình” là cái kết cấu lý thuyết – đa phần với sự trợ giúp của các công thức toán học – mà trong đó chúng tôi ánh xạ (phỏng chiếu) một số quan hệ của nền kinh tế thực. Rõ ràng là bạn sử dụng từ này với ý nghĩa khác: bạn gọi một quá trình lịch sử thực là mô hình mà nó có thể được dùng như hình mẫu, như tấm gương cho các nước khác. Thế nhưng Trung Quốc là độc nhất vô nhị và không thể bắt chước được! Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, với quá khứ lịch sử dài và truyền thống văn hóa không thể so sánh được. Đối với tôi, ý tưởng về “mô hình Trung Quốc” là không thể cắt nghĩa được.
Thay vào đó tôi đề nghị, hãy phân tích các đặc điểm quan trọng nhất của sự phát triển Trung Quốc trong các thập kỷ vừa qua, phân tích từng đặc điểm một và chung trong quan hệ với nhau của chúng, và chúng ta thử xác định: chúng là thuận lợi hay bất lợi? Và nếu là thuận lợi, chúng có được thực hiện chỉ riêng ở Trung Quốc ư, hay cũng có thể được thực hiện ở nơi khác nữa?
Còn hai từ trong câu hỏi của bạn, mà theo quan niệm của tôi là mơ hồ, cần sự giải thích và định nghĩa rõ ràng.
Một từ như vậy là thuật ngữ có vấn đề [mà bạn dùng] là từ “ổn định”. Bạn hiểu ổn định là gì? Có phải bạn hiểu là, sản xuất của Trung Quốc từ sau cái chết của Mao đã liên tục tăng, nhiều nhất có thể nói về tốc độ có lúc tăng lúc giảm, nhưng giảm sút tuyệt đối thì không? Đây là một đặc điểm hấp dẫn nhất của sự phát triển của Trung Quốc, đặc điểm gây ấn tượng lớn cho toàn thế giới.
Những so sánh là rõ ràng. Tại các nước dân chủ mới hình thành trong khu vực của Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu trước kia, sau bước ngoặt chính trị 1989-1990, sự biến đổi hệ thống kinh tế đã bắt đầu với sự sụt giảm sản lượng lớn, với suy thoái biến đổi (transformational recession) kéo dài nhiều năm, cho đến khi lấy lại được mức sản xuất trước biến đổi.
Liên quan đến các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, tại đó cuộc suy thoái sâu và đau đớn đã xảy ra một-hai năm vừa qua và ngày nay chúng ta vẫn chưa thể nói rằng nền kinh tế đã lấy lại được đà.
Dưới ánh sáng của những so sánh này, thành tích của Trung Quốc thật đáng nể trọng.
Từ “low cost-chi phí thấp” trong câu hỏi của bạn có nghĩa là gì? Ai là người đã trả giá thấp? Đối với người tiêu dùng Âu-Mỹ đúng là “low cost”, nếu mua hàng Trung Quốc giá rẻ. Nhiều nhân tố có vai trò trong thành công của Trung Quốc bán được hàng hóa giá rẻ vào thị trường của các nước giàu. Tỷ giá (exchange rate) có ảnh hưởng đến việc này; nhưng bây giờ tôi không muốn đề cập đến vấn đề này. Thế nhưng có lẽ nhân tố quan trọng nhất là lương thấp của công nhân Trung Quốc. Ở đây không chỉ phải để ý đến số tiền mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, mà cả các khoản thuế và đóng góp xã hội trên lương, tỷ lệ với lương nữa, kể cả các khoản đóng góp để tài trợ cho hưu bổng và dịch vụ y tế. Ngoài những thứ khác, chi phí của nhà nước phúc lợi cung cấp sự chăm sóc xã hội rộng rãi cũng là gánh nặng lên chi phí lao động Bắc Mỹ và Châu Âu. Việc này làm giảm tính cạnh tranh của nhiều ngành trong cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc.
Cái mà chúng ta đi đến ở đây, không phải là vấn đề kinh tế theo nghĩa hẹp, mà là các vấn đề đạo đức căn bản. Tốc độ tăng trưởng vũ bão của Trung Quốc có thể đạt được là do – bên cạnh nhiều yếu tố khác – tỷ lệ đầu tư rất cao và tương ứng là tỷ lệ tiêu dùng thấp trong sử dụng GDP. Các thế hệ hiện thời chịu sự hy sinh – một sự hy sinh to lớn – cho các thế hệ tương lai. Đây là một giải pháp khả dĩ, có thể thực hiện được về mặt lịch sử của vấn đề phân chia giữa các thế hệ “hiện tại-tương lai” – nhưng tôi muốn nhắc nhở rằng cũng có thể có các con đường khác. Nếu chúng ta suy ngẫm lịch sử kinh tế thế giới ở tầm thế kỷ, hiện lên trước mắt chúng ta con đường của Hoa Kỳ, của các nước Bắc Âu (Scandinavian), hay của Australia. Họ đã chẳng bao giờ tăng trưởng nhanh đến mức như Trung Quốc ngày nay, thế nhưng họ vẫn đạt đến đỉnh của sự phát triển kinh tế. Và trong quá trình phát triển, tăng tiêu dùng đã tiến bước hài hòa với tăng sản xuất.
“Low cost” – một thuật ngữ như thế, khá phổ biến trong cách nói Trung Quốc ngày nay, thậm chí chỉ đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những nan giải chiến lược thực sự quan trọng mà thôi.
Câu hỏi 2.
Nền kinh tế Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng trong nhiều năm. Ông xem xét hiện tượng này thế nào? Các lực lượng chính nào ở đằng sau sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Trung Quốc? Nó có bền vững?
Tôi đã trả lời một phần cho câu hỏi. Ở Trung Quốc tỷ lệ tiết kiệm-đầu tư cao độc nhất vô nhị xét về mặt lịch sử thế giới. Khó, có lẽ là không thể để xác định xem sự tiết kiệm này ở mức độ nào là tự nguyện và ở mức độ nào là tiết kiệm bị ép buộc (forced saving).
Hãy suy ngẫm lịch sử của các nước Bắc Âu. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm, nhìn lại một trăm năm, đã thấp hơn rất rất nhiều so với mức hiện nay Trung Quốc đạt được. Nhưng trong một trăm năm này nền dân chủ xã hội Thụy Điển đã hết lần này đến lần khác thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội, được sự ủng hộ của các nghiệp đoàn và ngoài ra của đa số dân cư. Nó đã đấu tranh liên tục và thành công vì tiền lương cao hơn, vì sự an toàn việc làm, vì sự phát triển y tế, vì một hệ thống hưu bổng đảm bảo cuộc sống tuổi già tử tế.
Hay hãy nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ. Ở đây tinh thần kinh doanh đóng vai trò đặc biệt mạnh. Đa phần những đổi mới lớn của 60-80 năm qua được đưa vào bởi các nhà kinh doanh Mỹ dẫn đầu sự phát triển công nghệ thế giới. Tất cả việc này đi cùng với việc họ cũng đi đầu trong thiết lập nhà nước pháp quyền, các hình thức tranh đua giữa các lực lượng chính trị và hiến pháp dân chủ.
Hoặc hãy ngó tới Ấn Độ. Xét về số dân chỉ có Trung Quốc vượt nước này và – giống như Trung Quốc – cho đến tận thời gian gần đây Ấn Độ vẫn thuộc vào các nước nghèo và trì trệ. Tuy nhiên kể từ khi người ta dỡ bỏ nhiều cản trở quan liêu đối với phát triển và mở không gian tự do hơn cho chủ nghĩa tư bản kinh doanh, thì tốc độ phát triển đã tăng nhanh một cách ngoạn mục. Hơn thế nữa, hình thức cai trị đại nghị vẫn tồn tại với sự thay đổi này.
“Tính bền vững-sustainability” – từ này có một ý nghĩa hẹp và một ý nghĩa rộng. Có lẽ theo nghĩa kinh tế hẹp cũng có những giới hạn có thể cản trở sự tăng trưởng: thí dụ sự đông nghẹt tăng lên của các thành phố lớn, sự tổn hại môi trường do tăng trưởng công nghiệp nhanh và sự bành trướng nhanh của xe cộ gây ra. Thế nhưng có lẽ còn quan trọng hơn để tính đến các điều kiện chính trị. Liệu cái cơ cấu chính trị đảm bảo cho tình hình kinh tế vĩ mô hiện thời, cho các tỷ lệ hiện thời của tiêu dùng và đầu tư còn có thể tồn tại được đến bao giờ mà không có thay đổi và cải cách? Tôi nghĩ, đúng hơn cần phải đặt các câu hỏi này cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu về khoa học chính trị và lịch sử đương đại.
Sau các câu hỏi và các câu trả lời cho đến lúc này tôi cảm thấy quan trọng để đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc. Tôi không kiến nghị Trung Quốc hãy theo “mô hình Bắc Âu”, hay “mô hình Bắc Mỹ”, hay “mô hình Ấn Độ”, cũng giống như tôi không khuyến nghị Thụy Điển, hay Hoa Kỳ hay Ấn Độ hãy theo “mô hình Trung Quốc”. Bằng việc phác họa các con đường lịch sử khác nhau tôi muốn đưa ra ý tưởng sau đây:
Không thể tiến hành được một loại phân tích chi phí-lợi ích đơn giản nào đấy mà từ đó bằng phép tính số học đơn giản có thể tính được con đường phát triển tối ưu. Trong thực tế, những niềm vui và những đau khổ, các thành quả và những sự hy sinh có thể được phân chia theo nhiều cách khác nhau cho các tầng lớp xã hội, các khu vực và các thế hệ. Và sự phân phối này liên quan không chỉ đến phúc lợi vật chất, mà cả đến những niềm vui và đau khổ mà sự hạn chế tự do cá nhân và các quyền tự do gây ra. Tôi không muốn đưa ra các đơn thuốc cho việc giải quyết các vấn đề phân phối sâu sắc này, mà là tôi muốn lưu ý đến những nan giải của sự lựa chọn.
Câu hỏi 3.
Trong chuyển đổi kinh tế một cách có hệ thống, làm thế nào để thiết kế một cách thích hợp các chức năng khác nhau của thị trường và các chức năng của chính phủ? Ở Trung Quốc, có quá nhiều thị trường hóa trong một số lĩnh vực nhưng trong các lĩnh vực khác lại có quá ít. Đây là vấn đề rất khó mà Trung Quốc phải đối mặt. Dưới ánh sáng của thực tiễn Hungary, những gợi ý của ông là gì?
Bây giờ bạn hỏi về kinh nghiệm Hungary. Ở Hungary không có sự đồng thuận về vấn đề này. Đây chính là một trong những vấn đề được tranh luận gay gắt trên các diễn đàn chính trị dân chủ, trên báo chí và trong các thảo luận của giới trí thức. Và tất nhiên đây là đề tài tranh luận không chỉ ở Hungary, mà ở khắp thế giới. Đây là một trong những vấn đề cơ bản của thời đại chúng ta mà lịch sử đã đặt ra hầu như đồng thời ở tất cả các khu vực lớn của thế giới. Ở những nơi trước kia hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ngự trị với đặc trưng nhà nước áp đảo cực độ, thì hiển nhiên người ta đã cố gắng và nay cũng đang cố gắng để giảm vai trò của nhà nước. Ngược lại, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế nổ ra gần đây ở các nước tư bản chủ nghĩa đã phát triển lại thức tỉnh họ về nhu cầu đối với sự điều tiết nhà nước hữu hiệu hơn.
Theo tôi, một trong những đặc điểm hấp dẫn nhất – thực sự đáng làm gương – của sự phát triển Trung Quốc là sự thử nghiệm. Ở nhiều nước, kể cả Hungary, các nhà cải cách nóng đầu thảo ra một ý tưởng [cải cách] mà sau đó họ muốn đưa vào áp dụng nhanh như chớp với hiệu lực phổ quát trên toàn lãnh thổ đất nước. Tôi cho rằng ở Trung Quốc trình tự thông thường của các sự kiện là khác. Mỗi thay đổi lớn thường bắt đầu với sự xuất hiện một sáng kiến địa phương. Các nhà lãnh đạo trung ương chú ý đến sáng kiến đó, ủng hộ nó và nếu thực sự thành công, thì đưa nó ra làm gương cho các địa phương khác. Nếu sáng kiến thực sự có sức sống, thì nó lan rộng, và tốc độ lan rộng thậm chí giữa chừng có thể gia tăng.
Không có tỷ lệ tổng quát và có hiệu lực phổ quát giữa điều phối nhà nước-quan liêu và điều phối thị trường, chẳng hạn 30:70, hay 50:50 hay 70:30. Các tỷ lệ khác nhau là đáng mong mỏi trong khu vực ngân hàng và giáo dục, trong ngành y tế và cảnh sát. Có các lĩnh vực mà trong đó nhà nước phải đóng vai trò chính và có các lĩnh vực trong đó thị trường phải chiếm ưu thế.
Trong khi chúng ta thử hình thành các tỷ lệ và hình thức tốt nhất cho sự phân công lao động giữa nhà nước và thị trường [trong mỗi lĩnh vực], thì trên hết rất quan trọng là chúng ta làm việc này với sự tỉnh táo cần thiết và không có những ảo tưởng. Thị trường chẳng phải là cỗ máy kỳ diệu hoạt động hoàn hảo – nhưng rừng rậm chẳng biết đâu mà lần được dùng làm lãnh thổ săn mồi của các thú dữ cũng không. Không đúng rằng nhà nước nằm trong tay các công chức biết mọi thứ, hoạt động với sự khách quan và sự chính trực hoàn hảo, không thể bị mua chuộc – nhưng cũng chẳng đúng rằng các quyết định nhà nước chỉ phụ thuộc vào những kẻ tham quyền cố vị và tham nhũng. Cả hai cơ chế còn xa mới hoàn hảo. Và cũng chẳng hề chắc chắn rằng tác động cùng nhau của hai cơ chế sẽ triệt tiêu lẫn nhau các sai sót của cả hai. Thậm chí điều ngược lại cũng có thể xảy ra: hai cơ chế tác động lẫn nhau lại hủy hoại cả cái mà trong mỗi cơ chế riêng biệt có thể là thuận lợi.
Không cần những khẩu hiệu chung chung và vô nghĩa: “Cần nhà nước mạnh hơn để chống những thái quá của thị trường!” – hay “Hãy dẹp can thiệp quan liêu đi; rồi thị trường sẽ giải quyết các vấn đề”. Thay vào đó, cần đến sự phân tích có trách nhiệm, khách quan và không định kiến về các vấn đề cụ thể của mỗi lĩnh vực bộ phận và hình thành các mức độ và giới hạn cần thiết của sự ảnh hưởng nhà nước.
Câu hỏi 4.
Một số người nghĩ rằng sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Trung Quốc sẽ tự động dẫn chúng ta đến những cải cách hệ thống. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này? Những cải cách hệ thống có nhất thiết là sản phẩm phụ của tăng trưởng kinh tế?
Nếu nghiên cứu lịch sử của nhiều nước ở tầm thế kỷ, chúng ta có thể rút ra kết luận: không có mối quan hệ tự động, tất định giữa mức độ phát triển kinh tế và các hình thái chính trị. Càng ít có thể chỉ ra một loại quan hệ nhân quả đơn giản nào đó giữa tốc độ tăng trưởng và mức độ phát triển của đời sống chính trị. Sản xuất ở Liên Xô trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Stalin đã phát triển với tốc độ lớn nhất – và việc này đi cùng với làn sóng khủng bố, sự áp bức khủng khiếp. Nước Đức đã thuộc về các nước công nghiệp phát triển nhất và giàu nhất, khi rơi vào sự thống trị của Hitler và của đảng Quốc Xã-Nazi. Và ngược lại, trong một loạt các nước châu Âu đã bắt đầu hình thành nhà nước pháp quyền và nền dân chủ đại nghị ở mức phát triển [kinh tế] thấp hơn mức hiện nay rất nhiều.
Sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, sự phổ biến của cơ chế điều phối thị trường tạo ra các điều kiện thuận lợi cho cải cách chính trị – nhưng không đảm bảo một cách tự động việc thực hiện cải cách chính trị.
Câu hỏi 5.
Ông đi Trung Quốc năm 1986 để dự một hội nghị về quản lý kinh tế vĩ mô. Trong hội nghị đó, ông đã gợi ý bốn mô hình mục tiêu cho các cuộc cải cách kinh tế và ông thích [mô hình] điều phối thị trường với quản lý vĩ mô hơn. Bây giờ hơn 20 năm đã trôi qua và Trung Quốc đã đi một quãng đường dài trong những cải cách định hướng thị trường, nhưng các mục tiêu cải cách thị trường của nó vẫn chưa được thực hiện: hệ thống thị trường và sở hữu tư nhân chưa được thiết lập một cách thỏa đáng; chính phủ vẫn xía vào công việc của các doanh nghiệp tư nhân; các độc quyền hành chính vẫn chưa bị nghiền nát. Mỉa mai thay, cùng lúc đó, kiểm soát vĩ mô của chính phủ đã được tăng cường. Theo ông, Trung Quốc phải có những nỗ lực gì để đạt các mục tiêu cải cách thị trường của mình?
Từ xa, từ Budapest, tôi muốn dè dặt để đừng đưa ra các lời khuyên cho chính sách kinh tế Trung Quốc. Nước các bạn có các nhà kinh tế học xuất sắc, những người hiểu kỹ hoàn cảnh, tình hình chính trị, kinh tế và xã hội – họ có tư cách hơn tôi nhiều để nói cần phải làm gì. Nhiều nhất tôi có thể đưa ra nhận xét của mình về vài vấn đề.
• Theo cảm tưởng của tôi có các vấn đề lớn trong khu vực ngân hàng. Sự thực rằng nhiều ngân hàng Mỹ và châu Âu hiện nay lâm vào tình thế khó khăn, thậm chí một vài lâm vào tình trạng khủng hoảng, trong khi nhìn từ bên ngoài các ngân hàng Trung Quốc có vẻ vững chắc, không có nghĩa là tất cả đều ổn. Các chuyên gia Trung Quốc phải phân tích chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá, cơ cấu các khoản vay, đặc biệt là việc xử lý các khoản nợ xấu với con mắt mở và phê phán.
• Đáng sợ là, giữa sự phát triển có tốc độ rất nhanh này nảy sinh những bất cân đối và thiếu-cân bằng trong nền kinh tế mà muộn hơn có thể gây ra những rắc rối lớn. Bốn mươi năm trước tôi có viết một cuốn sách với đầu đề: “Rush versus Harmonic Growth – Tăng trưởng Hấp tấp đối lại Tăng trưởng Hài hòa.” Khi đó người ta cũng đã dịch ra tiếng Trung Quốc, nhưng tôi e là đã hết từ lâu và không còn trong các hiệu sách. Trong cuốn sách này, rút ra từ kinh nghiệm Liên Xô và Đông Âu, tôi đã lên tiếng chống lại “thói tôn sùng tốc độ tăng trưởng”. Trong khi các chính trị gia kinh tế thúc tăng trưởng GDP càng nhanh càng tốt, họ bỏ qua một số nhiệm vụ phát triển quan trọng, chẳng hạn như xây dựng nhà ở, bảo vệ môi trường, giao thông đô thị và vân vân. Trong cuốn sách cũng có một sự so sách để minh họa cho sự bất hài hòa: một người đàn ông mặc áo veston mới sang trọng, mặc quần sờn nhưng vẫn có thể dùng được, và đi chân trần. Có lẽ bõ công lại đưa cuốn sách này vào tay bạn đọc Trung Quốc.
• Từ các số liệu mà tôi được biết cho thấy sự bất bình đẳng thu nhập đã tăng mạnh ở Trung Quốc. Điều này cũng bất lợi về mặt kinh tế, chưa kể đến việc đúng là nó xúc phạm cảm nhận công lý của người dân. Hiện tượng này sớm muộn có thể trở thành nguồn gốc của những căng thẳng xã hội nghiêm trọng.
• Phải chuẩn bị rằng thị trường xuất khẩu của Trung Quốc có thể bị thu hẹp. Rồi tiêu dùng cá nhân và xã hội của Trung Quốc càng tăng, thì khoảng cách giữa chi phí lương của các sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc và ở các nước phát triển sẽ càng nhỏ. Cho đến nay Trung Quốc theo đuổi chính sách kinh tế theo chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư. Trung Quốc được chuẩn bị chưa cho việc sửa đổi chiến lược này?
• Để cho nền kinh tế thị trường hiện đại hoạt động suôn sẻ thì không thể thiếu nhà nước pháp quyền. Các bước quan trọng đã được tiến hành để hiện đại hóa hệ thống pháp luật, nhưng – tôi tin – vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ cả tài sản tư lẫn tài sản công, và để buộc tôn trọng và thực thi các thỏa thuận.
Việc liệt kê các vấn đề, những lo âu và những việc cần làm là không hề đầy đủ. Tôi thành tâm hy vọng rằng chính sách kinh tế Trung Quốc sẽ tìm được các câu trả lời đúng cho các câu hỏi khó.
Câu hỏi 6.
Các nhà kinh tế học Trung Quốc nghĩ rằng nếu Trung Quốc muốn tiếp tục thực hiện cải cách của mình, nó sẽ phải chịu những chi phí nặng hơn. Ông thấy triển vọng cho cải cách của Trung Quốc thế nào? Chúng tôi có thể học những bài học gì từ Đông Âu?
Tôi kiềm chế khỏi việc rút ra những kết luận có hiệu lực phổ quát từ biến đổi Đông Âu. Dân cư của khu vực này cộng chung lại cũng không lớn hơn dân số của một tỉnh duy nhất của Trung Quốc – thế nhưng, kinh nghiệm của nhiều quốc gia cỡ nhỏ và trung bình này lại muôn màu muôn vẻ đến thế nào! Nếu chúng ta khảo sát một năm cho trước, một nước vừa đạt những kết quả to lớn, ở nước khác rắc rối tích tụ lại. Trong mỗi nước thành công và thất bại luân phiên lẫn nhau. Đặc biệt quan trọng là, các nước khác hãy rút ra bài học từ những bước thành công một nửa.
• Chủ nghĩa dân túy trong dài hạn là không thích hợp. Sớm muộn dân chúng cũng đòi truy cứu việc thực hiện các lời hứa được lòng dân, nhưng vô trách nhiệm và sẽ quét sạch những kẻ đã theo đuổi chính sách kinh tế nông nổi sang bên lề.
• Việc áp đặt những cải cách cưỡng bức lên dân chúng là không thích hợp. Các cuộc cải cách tỏ ra bền vững là các cuộc được tranh luận rộng rãi trước đó và được sự ủng hộ rộng rãi.
• Bóp nghẹt các quan điểm phê phán chính sách của chính phủ là không thích hợp. Trong nhiều nước Đông Âu các đảng cầm quyền đã thử bóp nghẹt các tiếng nói đối lập, đàn áp các cuộc phản đối, đe dọa những người có chứng kiến độc lập. Việc làm này đã có thể tạo trật tự một thời gian ngắn, nhưng sớm muộn vẫn phải khai mở khả năng cho sự cạnh tranh giữa các quan điểm, cho sự thể hiện tự do chứng kiến.
• Sự ngạo mạn dân tộc chủ nghĩa, sự khoe khoang thành tích là không thích hợp. Thế giới bên ngoài có thiện cảm hơn với các nước tuyên bố: sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng thâu nạp và thích ứng theo điều kiện địa phương những kinh nghiệm chính trị và kinh tế nước ngoài đã thành công.
Các nước kế thừa sau khi Liên Xô tan rã và các nước Đông Âu một thời dưới sự lãnh đạo cộng sản cùng nhau tạo thành một phòng thí nghiệm lớn. Việc thí nghiệm nhiều loại thể chế chính trị và kinh tế xảy ra ở đây. Tôi khuyến nghị cho các bạn Trung Quốc của mình: hãy chớp lấy cơ hội đặc biệt này. Hãy ngó quanh một cách kỹ càng trong phòng thí nghiệm khổng lồ này, hãy rút ra bài học từ những sai lầm và tận dụng khéo những kinh nghiệm thành công.

* Bài được đăng một phần trên Sài Gòn Tiếp thị. Bản ở đây là đầy đủ.

No comments: