Tuesday, 16 February 2010

TTCK - 20 năm ươm mầm

Tuy nhiên, với tâm huyết của mình, với kiến thức có được, tôi luôn tin tưởng rằng, tất cả những điều gì có lợi cho đất nước mình, cho dân tộc mình thì không bao giờ là “chệch hướng” cả.

------------------------------------------------------------------

Một buổi chiều, vào năm 1991, có 5 người gặp nhau trong một căn phòng làm việc. Ít ai ngờ, đó chính là một buổi chiều lịch sử, một hạt giống đã được gieo mầm. Kết tinh vào đó bao trí tuệ và công sức, hạt giống đã đâm trồi kết lộc và lớn lên với cái tên: thị trường chứng khoán.

Năm Canh Dần 2010, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón một sự kiện trọng đại: 10 năm thị trường vận hành và hoạt động. 10 năm dù chưa phải là dài, nhưng với biết bao thăng trầm, bao cảm xúc…, thì đó là cả một chuỗi ngày đáng nhớ.

Ông Lê Văn Châu là Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng là một trong những người đầu tiên có công gây dựng nên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong ký ức của ông Châu, thị trường chứng khoán Việt Nam có được như ngày hôm nay, không phải chỉ có 10 năm để sinh ra và lớn lên, mà còn có thêm gần 10 năm trước nữa với những tháng ngày gieo hạt và ươm mầm, tuy vất vả nhưng cũng mang đầy kỷ niệm.

Nơi hạt giống được gieo mầm

Ông Châu kể lại, cách đây gần 20 năm, bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế “chuyển mình” mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài ùa vào… Khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế trở nên cấp thiết trong khi hệ thống ngân hàng đã quá tải.

Ông Lê Văn Châu hồi tưởng: “Hôm đó, đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Tổng bí thư mời 4 người gồm ông Lê Văn Châu (khi đó là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), ông Hồ Tế (Thứ trưởng Bộ Tài chính), ông Đậu Ngọc Xuân (Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư) và ông Đỗ Quốc Sam (Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) đến để “hiến kế” về một giải pháp tạo nguồn vốn cho nền kinh tế.

Ngay chiều hôm đó, một ý tưởng quan trọng đã được đưa ra: phải xây dựng thị trường chứng khoán ở Việt Nam, càng sớm càng tốt.

Vượt qua “lực cản”

Giờ đây, thị trường chứng khoán đã lớn mạnh và thực sự chứng minh được vai trò của nó. Nhưng 20 năm trước, liệu rằng ý nghĩ về việc phát triển thị trường chứng khoán trong một một nền chính trị xã hội chủ nghĩa có gặp phải “lực cản” nào không?

Thời kỳ đó đúng là cũng có rất nhiều suy nghĩ khác nhau về quan điểm. Không ít người cũng tỏ ra băn khoăn rằng, thị trường chứng khoán là sản phẩm của tư bản, vậy thì liệu việc xây dựng thị trường chứng khoán có khiến Việt Nam “chệch hướng” hay không. Tuy nhiên, với tâm huyết của mình, với kiến thức có được, tôi luôn tin tưởng rằng, tất cả những điều gì có lợi cho đất nước mình, cho dân tộc mình thì không bao giờ là “chệch hướng” cả.

Ngày đó, trong rất nhiều cuộc họp, nhiều buổi tọa đàm, tôi đã bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình, để chứng minh rằng, việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là cần thiết và đúng đắn.

Những ngày “ươm mầm”

Ngân hàng Nhà nước - nơi ông Châu làm việc - là một trong những cơ quan tích cực nhất trong việc chuẩn bị đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước thành lập Ban Phát triển thị trường vốn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tỏ ra rất quan tâm, luôn luôn đôn đốc, theo dõi sát sao và luôn nhấn mạnh việc ra đời thị trường chứng khoán là một nhu cầu cần phải thực hiện gấp rút.

Đến năm 1994, Chính phủ đã quyết định thành lập đề án thành lập thị trường chứng khoán tại Việt Nam, giao nhiều bộ, ngành liên quan tham gia như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Bộ Tư pháp…

Tờ trình đề án phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam sau đó được các thành viên thông qua vào năm 1995.

Sau đó, ông Lê Văn Châu đã tháp tùng Thủ tưởng Võ Văn Kiệt “bảo vệ” thành công đề án trước Bộ Chính trị và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra đời ngay sau đó.

Người chui vào “bụi rậm”

Khi Ủy ban Chứng khoán mới thành lập năm 1995, thị trường chứng khoán chưa hoạt động, tổ chức trung gian chưa có, doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư tất nhiên là cũng không…, chẳng có ai để mà “quản lý”. Trong khi đó, quy mô, quyền hành… của Ngân hàng Nhà nước đều lớn hơn nhiều. Vậy, tại sao đang là Phó thống đốc Ngân hàng với đầy uy quyền, ông lại sang là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán với hai bàn tay trắng?

Hồi đó ai cũng bảo tôi là bỏ đường quang để chui vào “bụi rậm”. Khi biết tin tôi nhận chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhiều bạn bè thân tín gọi điện cho tôi can ngăn. Họ bảo, ông đừng có dại đi nhận cái chức đấy, nhận chức đấy khác nào bỏ đường quang để đâm vào… “bụi rậm”.

Thời kỳ đó, ai cũng biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới thành lập, với bộn bề khó khăn, cả con người và cơ sở vật chất hầu như không có gì. Trong khi đó, chứng khoán lại là một lĩnh vực quá mới, quá nhạy cảm…Bạn bè tôi nhiều người bảo rằng, ông làm cái đó là dại, nếu có thành công đi chăng nữa thì ông cũng chẳng được cái gì, còn nếu chẳng may có chuyện gì thì ông… toi.

Hồi đó, sau khi đại diện cho Ngân hàng Nhà nước hoàn thành đề án thành lập và phát triển thị trường chứng khoán, trình Chính phủ và Bộ Chính trị thông qua, tôi đã có ý định rút lui, trở về với công việc của tôi ở Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, khi thành lập Ủy ban Chứng khoán, nhiều người được đề nghị cho vị trí Chủ tịch nhưng họ đều từ chối… Cuối cùng, các đồng chí lãnh đạo lại gọi tôi lên động viên, thuyết phục rằng, đằng nào tôi cũng là người theo đuổi đề án xây dựng thị trường chứng khoán từ những ngày đầu, nên đã theo thì theo cho chót.

Lúc đó tôi cũng biết, nhận chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán vào thời kỳ đó sẽ là một thử thách, chắc chắn sẽ rất vất vả. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc xây dựng thị trường chứng khoán là một chủ trương lớn đã được lãnh Đảng và Nhà nước ủng hộ và tạo điều kiện. Bây giờ, lãnh đạo giao nhiệm vụ, không lẽ vì khó khăn, vì ngại việc mà mình lại chối. Nghĩ vậy, nên tôi quyết tâm tiếp tục chèo lái con thuyền chứng khoán cho dù khi đó gần như chỉ có 2 bàn tay trắng: Nhân sự lúc bấy giờ mới đi chiêu mộ, cơ sở vật chất cũng chưa có một cái gì.

Sau khi đã có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những công việc đầu tiên ông đã làm để chuẩn bị cho việc ra đời thị trường chứng khoán vào năm 2000 là gì?

Ngay sau nhận chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, công việc đầu tiên mà tôi làm là tuyển chọn nhận sự.

Nhân sự chủ chốt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời kỳ đó được lấy từ Ban Phát triển Thị trường vốn và một số vụ, cục từ Ngân hàng Nhà nước sang. Một số nhân sự khác do Bộ Tài chính cử sang. Còn lại, những nhân sự khác được tuyển mộ từ bên ngoài. Giờ đây, hầu hết những người được tuyển chọn thời kỳ đó để nắm giữ những vị trí chủ chốt tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Việc tiếp theo là xây dựng hệ thống pháp luật và hình thành các tổ chức tài chính trung gian.

Thời kỳ đầu, thị trường chứng khoán chưa ra đời, công ty chứng khoán hình thành mà chưa có doanh thu thì không phải ai cũng nhiệt tình cho ra đời công ty chứng khoán.

Khi đó, lực lượng công ty chứng khoán ban đầu dựa vào các tổ chức tài chính mạnh của nhà nước gồm Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh. Chỉ có 1 công ty tư nhân duy nhất xin thành lập công ty chứng khoán ngay từ ngày đầu là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Thời kỳ đó các doanh nghiệp không mấy ai nhiệt tình niêm yết. Khi chuẩn bị thành lập cũng có mười mấy doanh nghiệp “hứa” là sẽ niêm yết, nhưng sau đó còn sót lại chỉ có 2 cổ phiếu là REE và SAM lên thị trường ngày đầu tiên.

Thắng lợi từ đường lối

Bước vào năm Canh Dần 2010, thị trường chứng khoán ra đời đã có 10 năm trưởng thành và gần 20 năm từ khi ý tưởng ban đầu được “gieo mầm”. Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, những gì đã diễn ra có giống với những điều ông mường tượng từ hồi còn đang chuẩn bị xây dựng thị trường hay không?

Những diễn biến cụ thể thì không thể giống hoàn toàn, nhưng về cơ bản, tôi thấy rằng, lộ trình phát triển của thị trường vừa qua cũng không khác nhiều so với suy nghĩ của tôi trước đây, thậm chí có những điều vượt hơn mong đợi.

Chẳng hạn, thời kỳ đầu khi xây dựng thị trường, tôi và các đồng nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2010, thị trường chứng khoán sẽ chiếm 10-15% GDP, nhưng quy mô thực tế hiện nay của thị trường đã lớn hơn nhiều, chiếm tới 40-50% GDP. Còn lại, về cơ bản, sự phát triển của thị trường chứng khoán đã diễn ra khá gần với những gì mà chúng tôi mong muốn. Thị trường đã đi từng bước, từ không thành có, từ nhỏ bé yếu ớt thành to khoẻ, lớn mạnh. Lòng tin của công chúng đối với thị trường chứng khoán cũng đã được củng cố.

Tôi cho rằng, đây là thắng lợi to lớn thực sự. Đó là thắng lợi từ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đó là thắng lợi của sự hỗ trợ, chung tay giúp sức của các cơ quan, các bộ, ngành liên quan. Và cuối cùng, đó là thắng lợi của những người trực tiếp “chiến đấu”, làm việc hết mình để xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán lớn mạnh như ngày hôm nay.

Chí Tín (Đầu tư)

No comments: