http://tuanvietnam.net/2010-04-07-nhung-an-so-cua-nguy-co-lam-phat-cao
CPI quý 1/2010 đạt mức 4,12%, cao hơn khá nhiều so với dự báo trước đó, điều này cũng làm cho kế hoạch duy trì mức lạm phát năm 2010 của Chính phủ ở mức 7% khó thành hiện thực. “Bóng ma” lạm phát luôn đeo đuổi sự phát triển kinh tế của Việt Nam một lần nữa lại hình thành. Chính việc thiếu các mô hình thực nghiệm đã không thể giúp cơ quan quản lý giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Nguyên nhân gây lạm phát
Thứ nhất, sự tăng giá của các mặt hàng do các khoản chi phí đầu vào tăng thêm như: sự tăng giá của tiền lương, điện, nước, than, sắt thép,…
Thứ hai, nhập khẩu lạm phát. Điều này thể hiện rất rõ trong tâm lý tiêu dùng của người Việt: sính đồ ngoại. Với việc nhập siêu diễn ra trong nhiều năm đã tích tụ một lượng lạm phát được nhập khẩu tương đối lớn.
Mặc dù không có được những số liệu cần thiết để chứng minh theo mô hình hồi quy kinh tế lượng, nhưng nhìn bằng trực quan, ta có thể thấy có một mối quan hệ nhất định giữa nhập siêu và lạm phát. Ở những năm có mức nhập siêu lớn thì đi cùng với nó, tỷ lệ lạm phát cũng rất cao.
Thứ ba, chính sách tỷ giá. Việc phá giá đồng nội tệ một mặt làm giá cả hàng nhập khẩu tăng lên, hàng nội địa thay vì được nâng sức cạnh tranh lại tìm cách tăng giá để mở rộng biên lợi nhuận. Mặt khác, tỷ giá gia tăng làm tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào, từ đó gây sức ép lên giá bán.
Thứ tư, lạm phát Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tâm lý. Sự kỳ vọng vào lạm phát cao cũng khiến cho giá cả hàng hoá có xu hướng gia tăng, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Và thông thường, giá cả khi đã leo thang vào tạo thành mặt bằng giá mới, đặc biệt là dịch vụ và hàng tiêu dùng, rất khó điều chỉnh giảm trở lại.
Ngoài ra, những vấn đề về tăng trưởng tín dụng, tăng tiền trong lưu thông, cũng như tình trạng đô la hoá nền kinh tế cũng là những yếu tố thúc đẩy lạm phát. Một số nghiên cứu cho rằng tăng trưởng tín dụng và lạm phát có độ trễ từ 6-8 tháng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, kết luận này cũng mới dừng lại ở việc thống kê mô tả qua đồ thị mà chưa có mô hình định lượng nào chứng minh.
Tại sao lạm phát của Việt Nam khó “điều trị”?
Một là, nguồn gốc lạm phát của Việt Nam xuất phát từ yếu tố nội tại và yếu tố nước ngoài. Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi và hướng về xuất khẩu, do đó Việt Nam nhập khẩu khá nhiều nguyên vật liệu cơ bản, máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng,…
Chính vì thế, một yếu tố có tác động rất lớn đến lạm phát của Việt Nam là giá cả hàng hoá trên thế giới. Song song với nó là chính sách tỷ giá giữa VND/USD quyết định trong việc điều tiết giá hàng nhập khẩu do các đồng ngoại tệ khác đều được định giá chéo thông qua tỷ giá cơ sở là VND/USD.
Trong khi đó, Việt Nam không thể quyết định được giá cả hàng hoá thế giới, mà chỉ có thể chấp nhận giá, chính vì thế không thể có chính sách để kiểm soát nguồn gốc lạm phát này, có chăng là chính sách hạn chế nhập khẩu cũng như chính sách tỷ giá.
Mà việc sử dụng chính sách tỷ giá như thế nào còn phụ thuộc vào sức mạnh nội tại và quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Cũng như việc hạn chế nhập khẩu không thể đơn phương áp đặt khi Việt Nam đã là thành viên WTO nên không thể đi ngược lại nguyên tắc “mở cửa thị trường” và chịu sự áp chế “có đi có lại” trong giao thương quốc tế.
Hai là, chính sách quản lý giá của Việt Nam không đồng bộ và khó dự báo, đặc biệt là những chính sách điều tiết giá cả những mặt hàng chủ yếu, là nguyên liệu đầu vào quan trọng của quá trinh sản xuất như: than, điện, nước,…Chính những yếu tố đầu vào then chốt và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm này sẽ tạo một sức ép lớn đối với việc tăng giá bán trong tương lai.
Thứ ba, Việt Nam thiếu những nghiên cứu thực nghiệm về nguyên nhân lạm phát cũng như các tác động của những nguyên nhân này về mặt lượng. Hầu như khi nghiên cứu về lạm phát mới chỉ là những phân tích dựa trên cơ sở ước tính suy luận chứ không phải là số liệu.
Khi nói đến nguyên nhân lạm phát thì ai cũng có thể chỉ ra là do “giá cả vật liệu tăng, do tiền lương tăng, do sự tăng trưởng tín dụng nóng, do chính sách tỷ giá, do nhập khẩu”,… Nhưng tác động của từng yếu tố này đến lạm phát là bao nhiêu? Nếu tăng yếu tố này lên 1 mức mới thì lạm phát thay đổi thế nào?... Thì chưa có dữ liệu định lượng, mà nếu có thì cũng không được công bố và chứng minh.
Chính vì sự hạn chế trong những mô hình thực nghiệm về lạm phát đã làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước khó có thể đưa ra những chính sách điều tiết phù hợp. Đôi khi có những chính sách đúng, nhưng lại không đúng thời điểm, cũng như không đúng mức độ thì chẳng những không đem lại hiệu quả mà còn làm trầm trọng hơn.
Điểm quan trọng cần chú ý, đó là: không phải Việt Nam không có những tổ chức có thể xây dựng được các mô hình thực nghiệm về lạm phát mà vấn đề nằm ở chỗ họ không có đủ thông tin đầu vào, các số liệu cần thiết để xây dựng và kiểm chứng. Một số báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước về các tác động của một số các yếu tố nhưng không đủ sức thuyết phục do vẫn phân tích theo lối suy luận, nhận định chủ quan.
Năm 2010 sẽ chứng kiến sự khó khăn của cơ quan điều hành chính sách khi có nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng. Đồng thời, các cơ quan Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải linh họat trong chính sách để giải mã phương trình “kinh điển” của kinh tế học vĩ mô: sự lựa chọn khó khăn giữa duy trì tăng trưởng và nguy cơ lạm phát cao.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment