Thị trường thức ăn nhanh Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, năm 2009, tổng thu nhập của ngành thức ăn nhanh cả nước ước đạt khoảng 500 tỉ đồng, tăng 35-40% so với năm 2008, trong đó phần lớn vẫn đến từ các thương hiệu nước ngoài.
Thị trường thức ăn nhanh Việt Nam của... nước ngoài
Các hãng thức ăn nhanh (fast food) nước ngoài hoạt động ở Việt Nam đang tiếp tục thâm nhập sâu vào thị trường tiềm năng này với việc mở thêm nhiều cửa hàng, không chỉ ở TPHCM mà còn ở các tỉnh. Trong khi đó một số doanh nghiệp trong nước đang cố “đuổi theo”.
Theo kế hoạch, trong năm nay hãng thức ăn nhanh Jollibee của Phillipines sẽ mở thêm bốn cửa hàng nữa, nâng tổng số cửa hàng của mình ở Việt Nam lên con số 14. Ông Jojo Subido, Tổng giám đốc của Jollibee Việt Nam, cho biết tất cả bốn cửa hàng mới sẽ nằm trong các siêu thị Co.op Mart tại ĐBSCL. “Ba trong bốn cửa hàng sẽ mở trong tháng 8 và tháng 9 tới. Cửa hàng còn lại dự kiến mở trong tháng 12. Hiện chúng tôi đã đầu tư khoảng 5 triệu đô la Mỹ tại Việt Nam. Con số này chắc chắn sẽ được tăng thêm để thúc đẩy các kế hoạch mở rộng sắp tới”, ông nói.
Ông Subido cũng cho biết Jollibee đang lựa chọn thêm công ty trong nước làm đối tác nhượng quyền thương mại. Từ năm 1996 đến nay, hãng này chỉ mới nhượng quyền thương mại được hai cửa hàng cho một công ty Việt Nam.
Trong khi đó hãng KFC của Yum! Brands vẫn có những bước đi riêng. Hiện KFC có 71 cửa hàng tại tám tỉnh, thành, trong đó nhiều nhất vẫn là ở TPHCM với 45 cửa hàng, còn lại là ở Hà Nội, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Biên Hòa, Buôn Ma Thuột, Huế và Hải Phòng. Ông Pornchai Thuratum, Tổng giám đốc công ty, cho biết KFC đang lên kế hoạch mở thêm một số cửa hàng tại những tỉnh, thành nhiều tiềm năng như Đà Nẵng, Nha Trang, chúng tôi. Vì thế, chúng tôi phải tổ chức nhiều chương trình để thu hút khách”, ông Thuratum nói.
Theo ông Thuratum, tại các nước phát triển, KFC nằm trong số nhà hàng thuộc loại trung bình với đa số thực khách là gia đình và thanh niên. “Nhưng ở Việt Nam, giới trẻ không những xem đây là nơi ăn uống mà còn dùng làm nơi để trò chuyện, còn trẻ em thì xem đây là nơi gặp gỡ bạn bè sau giờ tan học hoặc là một phần thưởng của cha mẹ cho thành tích học tập”, ông nói.
Ông Trương Hàm Liêm, Trưởng phòng kinh doanh của Lotteria Việt Nam - một thành viên của tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đang kinh doanh cửa hàng thức ăn nhanh, cho biết Việt Nam là thị trường quan trọng và tiềm năng đối với Lotte, nên mặc dù khủng hoảng kinh tế vẫn còn nhưng Lotteria vẫn được hỗ trợ tối đa để phát triển tại Việt Nam.
“Trong những năm qua,Việt Nam luôn là một trong những thị trường phát triển tốt nhất của Lotteria”, ông Liêm nói. Ông cũng cho biết thêm trong những năm tới, kế hoạch mở rộng thị trường của Lotteria vẫn được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, trong năm nay Lotteria Việt Nam sẽ mở thêm 80 cửa hàng ở TPHCM, Huế, Quảng Nam, Hà Đông… “Lotteria đang trong thời gian xin cấp phép nhượng quyền thương mại”, ông Liêm cho biết.
Trong khi các hãng nước ngoài đua nhau mở thêm cửa hàng thì các doanh nghiệp trong nước vẫn “bình chân như vại”, có chăng chỉ manh nha ở giai đoạn đầu. Nhiều người cho rằng thật khó để xây dựng và phát triển các thương hiệu về thức ăn nhanh vì tốn nhiều chi phí cho nhân lực, cơ sở vật chất, nguyên vật liệu, đảm bảo đúng mô hình thức ăn nhanh.
Kinh Đô là một trong số ít doanh nghiệp trong nước phát triển chuổi cửa hàng thức ăn nhanh kiểu Việt Nam. Mới đây, Công ty Bánh Kinh Đô Sài Gòn, thành viên của tập đoàn Kinh Đô, đã khai trương cửa hàng K-Do phục vụ cà phê, bánh theo kiểu mô hình thức ăn nhanh. Khách hàng mục tiêu của cửa hàng này chủ yếu là giới trẻ. Ông Nguyễn Duy Đang, Giám đốc tiếp thị và nhượng quyền của công ty, cho biết cửa hàng K-Do bán bánh, sandwich, pizza, hamburger và các loại thức uống. “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ mở thêm ba cửa hàng nữa ở TPHCM”, ông nói.
Ông Trương Hàm Liêm cho biết mô hình kinh doanh như Kinh Đô không phải là kinh doanh thức ăn nhanh, “cho nên thật sự chúng tôi không liệt kê những hình thức này là đối thủ cạnh tranh”.Các hãng thức ăn nhanh đều cho rằng thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Vì vậy McDonald’s, Burger King hay những thương hiệu khác vẫn còn rất nhiều cơ hội. “Đó là những thương hiệu lớn và mạnh trên thế giới, vẫn chưa nói trước được điều gì khi hai thương hiệu này bước chân vào Việt Nam”, ông Liêm nói.
Và nếu đúng như vậy thì cho dù không muốn, các doanh nghiệp trong nước cũng phải chấp nhận một thực tế rằng trong những năm tới, thị trường thức ăn nhanh vẫn là sân chơi riêng của các thương hiệu nước ngoài nếu doanh nghiệp trong nước không chịu “chạy” mà đi “từ từ”.
*Fast food là gì?
Khi được hỏi về như thế nào là fast food và nó có bị biến tướng khi vào Việt Nam hay không, ông Trương Hàm Liêm, Giám đốc tiếp thị của Lotteria, cho biết fast food là một hình thức thức ăn chế biến tại chỗ, ăn tại chỗ và có thể ăn ngay cả khi đi lại. Quan trọng hơn là sản phẩm fast food tiện lợi, nhanh về thời gian, và đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng trong một ngày. Và fast food không bị biến tướng khi vào Việt Nam.
Theo TBKTSG
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment