Tuesday, 19 May 2009

Thế nào là chuyên gia?

Để dành coi. Vấn đề là chuyện này phải chăng là nên để chuyên gia về truyền thông hay báo chí, v.v. viết? Người viết không phải là chuyên gia về "chuyên gia", viết chi? Thôi, nói đi nói lại rồi cũng là vậy mà.


Thị trường tiền tệ và vốn Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ 5 năm gần đây. Sự tích làm giàu và khí thế sôi sục của TTCKVN cũng khiến cho thông tin trở nên “quý giá.” Một phần thông tin ấy được các hệ thống truyền thông (media) tải ra từ các chuyên gia tài chính.

Gần đây, khi bàn về năng lực đầu tư, anh Phan Đức Trung, TGĐ FPT Capital, một gương mặt đáng nể của “làng đầu tư” mô tả lại khi gặp gỡ đối tác lớn Nhật Bản của Quỹ đầu tư mà FPT Capital đang gấp rút hoàn tất các phần việc cuối cùng để ra mắt, đối tác đặt vấn đề đầu tư trọng yếu vào lĩnh vực công nghệ, do cả họ và FPT đều có xu hướng công nghệ thông tin, nên phương pháp sẽ là đầu tư rủi ro giai đoạn đầu (venture capital), tính từ lúc khởi sự tới đoạn có thể cất cánh. Một câu trả lời ngắn gọn khiến đối tác công nhận và điều chỉnh cả các biểu mẫu hợp tác là: “Với bản chất và quy mô hiện tại, mặc nhiên quỹ đã có tính chất venture capital”. Phải nói đây là cách đánh giá có tính chuyên gia, và cũng vì thế sự đồng thuận của đối tác rất uy tín quốc tế là tín hiệu ghi nhận tốt nhất có được. Chuyên gia thật là như thế.

Tuy thế, chân dung vô số các vị chuyên gia khác tự phong lại rất đáng bàn, vì đó cũng là một phần quan trọng của chất lượng thị trường. Bài viết này xin được nói về câu chuyện ấy.

Động cơ lợi ích để trở thành chuyên gia. Nói chung, bước lên hệ thống truyền thông (media) với tư cách chuyên gia đem lại nhưng cái lợi sau đây:

Thương hiệu cá nhân : Danh tiếng lẫy lừng nhờ sự lan tỏa thông tin rất mạnh của báo đài và đặc biệt là Internet

Doanh thu: Các cơ hội doanh thu từ tư vấn, thuyết trình, giảng dạy, viết bài…
Khởi nghiệp-Kinh doanh : Tiến đến sát thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh đặc thù (ví như chuyên gia được thị trường và doanh nghiệp yêu mến…)
Sự ngưỡng mộ: Khẳng định vị trí xã hội
Sự tự hoàn thiện : Làm giàu kiến thức bản thân và xã hội, chia sẻ và đóng góp vì lợi ích cộng đồng
Theo sự ghi nhận của xã hội về tính hợp lý cực đại của hành vi, không thể nói một người cố gắng làm chuyên gia mà lại không có động cơ lợi ích cụ thể. Đối với thị trường chứng khoán, nóng bỏng và tràn ngập chuyện tiền bạc, động cơ ấy rõ ràng có phần nghiêng nhiều về quyền lợi tài chính có liên quan tới hai chữ “chuyên gia.” Ấy cũng là lúc người ta dùng danh hiệu này để có thể làm nhiều chuyện, và cũng làm nhiều chuyện để có danh hiệu này.

Thế giới đã trải qua giai đoạn dùng tiền của để thành chuyên `gia, rồi lại từ chuyên gia chuyển thành tiền của, ngày nay nó ở đoạn đan xen tiền của và chuyên gia sinh ra lẫn nhau. Thế mới thành chuyện đáng bàn. Ở TTCKVN nó lại càng đáng bàn.

Ai là chuyên gia. Theo một số nguồn, chúng ta hình dung khái niệm chuyên gia như sau:

Answers.com. Chuyên gia là người tham gia gián tiếp hay trực tiếp các hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể có kỹ năng, bí quyết hoặc hiểu biết vượt trội đã được chứng minh bằng kết quả thực tế. Người được công nhận chuyên gia thường có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực của mình hoặc được trải qua các khóa huấn luyện, đào tạo chuyên biệt.

FreeOnlineDictionary. Chuyên gia là người có đẳng cấp kỹ năng và kiến thức cao trong một lĩnh vực cụ thể.

Accurate & Reliable Dictionary. Chuyên gia là người được đào tạo chuyên sâu, có kinh nghiệm thực hành, đầy đủ năng lực và kỹ năng, luôn sẵn sàng thực hiện công việc trong một lĩnh vực cụ thể.

Qua khảo sát tại www.saga.vn, chúng tôi thấy những định nghĩa này được nhất trí. Như thế cũng có nghĩa là chúng khá rõ và có thể bám vào để “đi tìm hình bóng chuyên gia.” Về cơ bản, “hình bóng” chuyên gia đọc được qua một thành tựu đáng kính trọng, kiến thức và kinh nghiệm giàu có-hữu ích, và những đóng góp cụ thể cho xã hội (khoa học, thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư).

Chuyên gia có thể là một nhà phân tích giỏi, được tín nhiệm của Cty Chứng Khoán Sài Gòn (SSI), một chuyên viên đầu tư “thứ dữ” dày dạn và am hiểu thị trường ở Cty Quản lý Quỹ FPT (FPT Capital), hay là một giáo sư như TS. Nguyễn Văn Nam của ĐH Kinh tế Quốc Dân, v.v.. Dù thế nào, họ cũng phải phản ánh các phẩm chất như đã nêu, còn không thì là mạo danh. Vì TTCK được gắn kết bằng niềm tin nên sự chính danh chuyên gia rất cần thiết. Tuy vậy, lại có rất nhiều chuyên gia tự phong và để lại nhiều hậu quả hay sự tích vừa tức cười vừa đau xót.


Thành tựu và sự phát ngôn. Nền kinh tế đang tăng trưởng của nước ta sẽ cần nhiều chuyên gia “thứ xịn”. Quả thật là tìm không dễ. Một số “nổi danh” thường xuyên được “media” tìm gặp và lấy ý kiến thì đếm ra rất ít, vả lại, lĩnh vực nào cũng thấy họ là chuyên gia, như thế thật khó để tin tưởng. Vậy cần xét từ thành tựu: Khoa học, kinh doanh, đóng góp hữu ích và sự ghi nhận xã hội.

Tôi đã từng biết một “chuyên gia đầu tư” sành điệu khi muốn bán cổ phần nhà máy cáp Việt Nam thì trả lời câu hỏi: “Cáp viễn thông hay cáp điện lực?” của một đối tác rất chuyên nghiệp châu Âu, đã vung vít: “Thì là nhà máy cáp, còn cáp nào chả là cáp!” Tự tin dễ sợ.

Theo lẽ thường, thành tựu và trình độ thực sự của chuyên gia liên quan rất mật thiết tới cách họ phát ngôn. Một số điểm giúp phân biệt chuyên gia dỏm là như sau:

Học thuật: Không có những bằng chứng xác đáng về thành tựu học thuật, những công trình thực sự nghiêm túc mà ở đẳng cấp quốc gia-quốc tế ghi nhận. Thiếu những hiểu biết học thuật căn bản mà không có chúng sẽ không có nền tảng tư duy cần thiết.
Thực hành: Không có những thành công và thành tựu kinh doanh cụ thể (thấy và kiểm chứng được).
Truyền thông: Phát ngôn bừa, hoặc rất thích phát ngôn, nhưng luôn lảng tránh các điểm trọng yếu, vòng vo tam quốc.
Các bạn có thể ngạc nhiên, nhưng chuyên gia thực thụ lại rất sẵn lòng nói: Tôi không biết. Sự trung thực mang tính “khổ hạnh” này rất khó kiếm ở các chuyên gia dỏm. “Biết cái mình không biết” và tinh thần hợp tác cao độ chính là tính chuyên gia. Việc phát ngôn vượt ra khỏi lĩnh vực chuyên môn là rủi ro làm giảm tính “chuyên gia” của chuyên gia, và chúng ta không khó nhận ra điều này. Đồng thời, người có bằng cấp cao hay có đầu sách xuất bản (vốn khá thoải mái ngày nay) không hề được tự động dịch nghĩa ra thành chuyên gia thực thụ. Nói chung, chuyên gia xịn không cần danh hiệu, mà tự tỏa sáng bằng thành tựu.

Thành tựu trong kinh doanh tài chính không khó đo đếm. Hồi năm 2002, lúc trao đổi về TTCK kiểu trà dư tửu hậu, anh Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn, trong lúc đang xây dựng hướng phát triển chiến lược nói ngắn gọn: “Chúng tôi muốn trở thành chuyên gia TTCK.” Sau 5 năm, công ty vốn vài trăm ngàn USD với tính thanh khoản thấp lúc đó, giờ đã là tập đoàn tài chính xây trên trụ cột có bóng dáng “ngân hàng đầu tư,” thị giá cỡ cả tỷ USD, và thanh khoản bậc nhất Việt Nam. Đó là chuyên gia.

Một đặc điểm cực kỳ quan trọng nữa để phân biệt chuyên gia xịn là khả năng chia sẻ và tự hoàn thiện. Chuyên gia dỏm sẽ “giấu vở” còn chuyên gia xịn sẽ mở vở, vì họ có năng lực tiếp tục thu nạp, phát triển thêm kiến thức mới. Chia sẻ và tự hoàn thiện là nhu cầu bậc cao, là phẩm chất gắn liền với tính chuyên gia.

Việc giới truyền thông sử dụng chuyên gia cần thiết và xác đáng, vì ngành nghề nào phát triển cũng cần nhiều chuyên gia. Nhưng việc xác định nguồn đích thực luôn là câu hỏi thách thức. Mỗi khi giới truyền thông đề cao phân tích một ý kiến chuyên gia thì tác phong chuyên nghiệp cũng là đạo đức công việc sẽ yêu cầu sự thẩm định đủ tin cậy. Nhờ sự thẩm định đó sẽ bớt đi các giọng hát huy chương vàng bơi lội. Được như thế thì bộ lọc thông tin xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều.

========

Bài www.saga.vn hợp tác với tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, số 51, ngày 08-14/10/2007

TS. Vương Quân Hoàng, SAGA – Nhịp Cầu Đầu Tư

No comments: